Article
Thị trường IPO tại Việt Nam: đánh giá và khuyến nghị
25 December 2024
Góc nhìn chuyên gia
Theo ông Bùi Văn Trịnh, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Đảm bảo, Deloitte Việt Nam, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 đang trải qua những khó khăn nhất định nhưng đây cũng là khoảng thời gian tốt để nắm bắt các cơ hội nhờ các điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi và môi trường lãi suất thấp.
Báo cáo IPO khu vực Đông Nam Á cho thấy trong 10,5 tháng đầu năm 2024, thị trường vốn IPO ở Đông Nam Á đã chứng kiến 122 thương vụ IPO, huy động được khoảng 2,9 tỷ USD. Trong khi số lượng IPO vẫn cho thấy tín hiệu tích cực, tổng số vốn huy động được lại ở mức thấp nhất trong chín năm qua, giảm mạnh so với mức 5,8 tỷ USD huy động được qua 163 thương vụ IPO vào năm 2023.
Trong cùng khoảng thời gian, Việt Nam chỉ có một thương vụ IPO, huy động được khoảng 37 triệu USD. Đáng chú ý, thương vụ IPO duy nhất này, cũng là thương vụ IPO đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực Công nghệ tài chính, đã vượt qua kết quả huy động của cả thị trường Việt Nam trong năm 2023.
Kỳ vọng về một thị trường IPO khởi sắc
Theo đánh giá của Deloitte Việt Nam, năm 2024 chứng kiến một nhịp chậm lại cần thiết để chuẩn bị cho những bước tăng tốc mạnh mẽ và vững chắc hơn trong năm 2025. Nguyên nhân cho sự lạc quan này đến từ tốc độ tăng trưởng GDP, sự phục hồi của thị trường, các thay đổi về chính sách và nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài.
Trước hết, GDP của Việt Nam được dự báo sẽ duy trì đà tăng trưởng ổn định và có thể đạt 7% theo dự báo của Ngân hàng HSBC hay 6,5% theo Ngân hàng Thế giới. Với đánh giá tổng quan mới nhất cho các quốc gia Đông Nam Á, chúng ta sẽ là quốc gia dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong khu vực bất kể kịch bản nào xảy ra.
Thứ hai, ngành bất động sản, một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ sau một loạt hỗ trợ từ các cơ quan quản lý. Dự kiến trong năm tới, ngành này có thể thúc đẩy nhu cầu huy động vốn qua nhiều kênh, trong đó có thị trường chứng khoán.
Thứ ba, nhiều chính sách được thông qua trong năm 2024 của Chính phủ tập trung vào phát triển kinh tế và cải cách môi trường đầu tư nhằm tăng đầu tư công, đạt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán và mức tăng trưởng GDP từ 7% đến 7,5% trong năm 2025 sẽ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp mới muốn niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Cuối cùng, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng song song với sự tăng trưởng của nền kinh tế nhờ việc quay lại của nhiều nhà đầu tư nước ngoài để đón đầu làn sóng tăng trưởng lợi nhuận khi thị trường được nâng hạng và nền kinh tế bứt tốc so với một số thị trường đầu tư khác như Trung Quốc.
Những lĩnh vực đáng chờ đợi
Sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, trong giai đoạn này hay sắp tới, không chỉ đến từ một hay hai ngành công nghiệp cụ thể mà sẽ là nỗ lực chung từ đầu tư công, đầu tư nội địa và đầu tư ngoại. Cơ hội nằm rải rác, cộng thêm sự phụ thuộc vào các yếu tố vĩ mô nằm ngoài tầm kiểm soát nên khó để nhận định cụ thể những cái tên nào sẽ là ứng viên sáng giá cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, có một số ngành cho thấy những lựa chọn mà nhà đầu tư có thể cân nhắc.
Deloitte Việt Nam nhận thấy có sự đa dạng về đánh giá của các doanh nghiệp và nhà đầu tư khi xác định những ngành có tiềm năng tăng trưởng cao trong năm 2025. Ví dụ, theo Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam report) thực hiện với nhóm 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong tháng 10/2024, các ngành như Công nghệ thông tin - Viễn thông, Vận tải - Logistics và Điện - Năng lượng được đa số lựa chọn. Trong khi đó, quỹ đầu tư Vina Capital đánh giá ba nhóm ngành sẽ dẫn đầu về tăng trưởng trong năm 2025 lần lượt là Bất động sản, Vật liệu xây dựng và Tiêu dùng. Nhìn chung, đây đều là những ngành sẽ được quan tâm và có lợi trong bối cảnh Chính phủ chủ trương tăng cường chi tiêu ngân sách và đầu tư công nhằm thúc đẩy nền kinh tế trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, một số nhóm ngành ngách (niche) như sản xuất chip, công nghệ bán dẫn, trí thông minh nhân tạo (AI), năng lượng tái tạo đang nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ và là xu hướng đầu tư ở các quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc trong vài năm trở lại đây. Các ngành này có thể chưa kịp tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ trong thời gian ngắn nhưng dự kiến trong thời gian tới, các ngành này sẽ có nhiều sự bứt phá, kéo theo sự tăng trưởng của các sản phẩm, dịch vụ phụ trợ. Đồng thời, đây sẽ là bệ phóng cho các doanh nghiệp tận dụng được sự kết hợp của công nghệ hiện đại vào mô hình hoạt động truyền thống như bán lẻ hay thương mại trực tuyến.
Khuyến nghị nhằm kiến tạo nên cú huých cho các doanh nghiệp IPO
Thị trường Việt Nam được lựa chọn là môi trường đầu tư yêu thích của các nhà đầu tư do nhiều yếu tố như tỷ lệ lạm phát được kiểm soát tốt, nguồn tín dụng tương đối dồi dào và các cải cách chính sách công mạnh mẽ để thu hút đầu tư. Trên nền tảng thuận lợi này, để tạo cú huých cho các doanh nghiệp khi thực hiện IPO và củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam, Deloitte Việt Nam cho rằng cần nỗ lực không chỉ từ cơ quan quản lý và còn từ bản thân các doanh nghiệp.
Về chính sách kinh tế, trong những năm gần đây, Chính phủ đã liên tục thông qua nhiều sáng kiến và thay đổi với quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời nâng hạng thị trường chứng khoán như Nghị định số 60/2015/NĐ-CP bãi bỏ giới hạn về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với một số ngành nghề; Thông tư số 68/2024/TT-BTC bổ sung quy định cho phép nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài được phép mua cổ phiếu mà không yêu cầu phải có đủ tiền ngay lúc đặt lệnh; Dự thảo Luật Kế toán sửa đổi đã được thông qua cho phép Bộ Tài chính quy định chuẩn mực kế toán trên cơ sở chuẩn mực quốc tế về kế toán phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam và hướng dẫn đối tượng, phạm vi, thể thức, lộ trình và các nội dung khác liên quan đến việc áp dụng chuẩn mực quốc tế về kế toán.
Một số tín hiệu lạc quan đã được ghi nhận trong năm 2024 phản ánh sự đón nhận của nhà đầu tư và tổ chức nước ngoài với các nỗ lực này. Tại hội nghị Bloomberg Businessweek Vietnam diễn ra tại TP.HCM trong tháng 12, đại diện của FTSE Russell cho biết dự kiến sẽ tiến hành đánh giá Việt Nam trong vòng 6 đến 9 tháng tới với trọng tâm sẽ là xem xét trải nghiệm thực tế của các nhà đầu tư quốc tế. Hiện tại, chúng ta còn đang chưa đáp ứng được hai trong số chín tiêu chí nâng hạng của FTSE Russel liên quan đến non-prefunding cho phép công ty chứng khoán nhận lệnh mua từ nhà đầu tư tổ chức nước ngoài dù tài khoản không đủ 100% giá trị lệnh và xử lý giao dịch thất bại. Tuy nhiên, với nhiều thay đổi về quy trình và quy định, khảo sát nhanh tại hội nghị cho thấy 68% doanh nghiệp tham gia tin rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng trong năm 2025.
Như vậy, nếu các cơ quan quản lý tiếp tục có các hành động quyết liệt và kịp thời để giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường cũng như tăng cường chất lượng hoạt động của thị trường chứng khoán, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào những con số ấn tượng hơn nhiều về dòng vốn đổ vào Việt Nam.
Về phía doanh nghiệp, nếu trước kia chỉ có một nhóm nhỏ doanh nghiệp lớn đầu ngành quan tâm đến xây dựng cơ chế quản trị và kiểm soát nội bộ theo thực hành tốt của quốc tế, đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư và đối tác chiến lược nước ngoài thì hiện nay, số lượng các doanh nghiệp Việt Nam triển khai công việc này đã tăng lên đáng kể. Bên cạnh yếu tố mô hình kinh doanh mang lại tỷ lệ tăng trưởng tốt hay tỷ suất lợi nhuận cao thì cơ chế quản trị doanh nghiệp đề cao tính minh bạch, chính sách quản trị rủi ro được thiết lập và áp dụng xuyên suốt cùng với thông tin tài chính đầy đủ, trung thực cũng là những điểm được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm trước khi bắt đầu rót vốn hợp tác.
Như vậy, để có được một thương vụ IPO không chỉ thành công cho nhà đầu tư mà còn cho cả doanh nghiệp, Deloitte Việt Nam tin bước đầu tiên doanh nghiệp cần làm là đánh giá tình hình thực tế của mình, tiếp đến là đưa ra một lộ trình hợp lý và phù hợp để doanh nghiệp cũng có thể thu được các lợi ích từ suốt hành trình này về mặt quản trị, con người, quy trình và hệ thống mà không làm mất đi những giá trị cốt lõi tạo nên doanh nghiệp. Khi xác định thời điểm IPO, doanh nghiệp phải cân nhắc cả yếu tố vĩ mô của nền kinh tế hay thị trường và khả năng sẵn sàng của mình để có được mức định giá hợp lý và tốt nhất. Việc IPO hay trở thành công ty đại chúng kỳ thực chỉ là bước đi đầu tiên hay cột mốc trên một hành trình dài trước mắt chứ chưa phải và cũng không nên được xem như là một đích đến.
Với những gì đã và đang diễn ra, Deloitte Việt Nam rất lạc quan và mong đợi sự bứt phá của thị trường Việt Nam nói chung và hoạt động IPO nói riêng trong năm 2025.

Recommendations
Tương lai thanh toán theo thời gian thực
31 October 2024