Article

Trụ Cột 2 và việc tuân thủ thuế của doanh nghiệp đa quốc gia tại Việt Nam

26 November 2024

Bà Đặng Mai Kim Ngân, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Khối tư vấn về Thuế Quốc tế tại Deloitte Việt Nam, chia sẻ về các tác động của chính sách thuế Tối thiểu toàn cầu, đặc biệt là QDMTT và các vấn đề về tuân thủ đối với các doanh nghiệp đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam.

Việc Việt Nam thông qua thuế Tối thiểu toàn cầu đánh dấu một sự thay đổi mang tính cách mạng của hệ thống thuế và phù hợp với sáng kiến về Trụ Cột 2 của OECD, nhằm thiết lập một mức thuế Tối thiểu toàn cầu cho các doanh nghiệp đa quốc gia (MNE). Động thái này đưa Việt Nam đến gần hơn với các quốc gia phát triển khác.

Theo Nghị quyết số 107/2023/QH15 (Nghị quyết 107), Việt Nam sẽ áp dụng mức thuế tối thiểu 15% đối với các MNE có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (780 triệu USD) trở lên trong hai năm của bốn năm trước ngày 01/01/2024. Hai quy định chính tại Nghị quyết 107 bao gồm:

  • QDMTT áp dụng cho các MNE thuộc phạm vi áp dụng của Trụ Cột 2 có các khoản đầu tư vào Việt Nam.
  • Tổng hợp Thu nhập Chịu thuế Tối thiểu (IIR), áp dụng cho các MNE có trụ sở tại Việt Nam và có các khoản đầu tư ra nước ngoài.

Vào ngày 12/11/2024, Bộ Tài chính đã công bố Dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 107 để lấy ý kiến công khai đến ngày 6/12/2024. Nghị định chính thức dự kiến sẽ được ban hành vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.

Bà có thể giải thích thêm về bối cảnh của QDMTT và ý nghĩa của các quy định này đối với các MNE tại Việt Nam?

Việc ban hành các nguyên tắc áp dụng QDMTT phản ánh sự chủ động của Việt Nam trong việc hòa nhập với các quy định thuế toàn cầu của OECD. Điều này đảm bảo hệ thống thuế của Việt Nam vẫn có tính cạnh tranh công bằng so với các quốc gia khác. Các MNE hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi thuế, sẽ phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt hơn để xác định thuế suất thực tế (ETR) đồng thời đạt ngưỡng thuế suất tối thiểu 15%.

Việc triển khai QDMTT cho phép Việt Nam duy trì quyền đánh thuế đối với số thuế bổ sung theo các quy định tại Trụ Cột 2. Mặc dù điều này thể hiện cam kết của Việt Nam đối với các tiêu chuẩn quốc tế, các MNE cần thận trọng đánh giá các tác động thực tế, đặc biệt là việc tính toán ETR trên phạm vi một nước (thay vì theo từng đơn vị riêng lẻ) và rộng hơn là liệu chi phí thuế của họ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào.

Với các yêu cầu tuân thủ sắp tới, những yếu tố chính nào mà các MNE trong phạm vi áp dụng nên xem xét?

Hiểu rõ được sự phức tạp của các quy định thuế mới, doanh nghiệp cần tập trung chuẩn bị kỹ hơn cho các nghĩa vụ tuân thủ sẽ được áp dụng trong vòng chưa đầy hai tháng tới. Một số điểm doanh nghiệp nên cân nhắc.

Đầu tiên, xác định ETR là điều quan trọng. Các MNE trong phạm vi áp dụng cần tính toán ETR theo các quy định của QDMTT. Việc tính toán chính xác ETR theo QDMTT có thể phức tạp hơn nhiều so với các cách hiểu thông thường về ETR trước đây vì các doanh nghiệp cần thực hiện một loạt các điều chỉnh khi xác định Tổng số thuế TNDN đã được điều chỉnh (Adjusted Cover Tax) cũng như Thu nhập ròng (GloBE Income) như quy định tại Dự thảo Nghị định do Bộ Tài chính ban hành. Ngoài ra, khi thực hiện tính toán ETR tại Việt Nam, các MNE cũng cần lưu ý các nguyên tắc mới, bao gồm việc áp dụng chuẩn mực kế toán của công ty mẹ tối cao thay vì Chuẩn mực Kế toán Việt Nam.

Thứ hai, đánh giá khả năng áp dụng nhằm tận dụng các quy định về Giảm trừ trách nhiệm trong giai đoạn chuyển giao có thể giảm bớt phần nào gánh nặng tuân thủ cho doanh nghiệp. Đồng nhất với các quy tắc của OECD, quy định QDMTT của Việt Nam theo Nghị quyết 107 cũng như Dự thảo Nghị định cũng có các điều khoản trong giai đoạn chuyển tiếp nhằm giúp đơn giản hóa việc tuân thủ đối với các MNE đủ điều kiện, chẳng hạn như cho phép tính toán ETR đơn giản hơn hoặc dựa vào dữ liệu tại Báo cáo Lợi nhuận Liên Quốc gia (CbCR) hiện có, nếu đáp ứng các tiêu chí cụ thể.

Thứ ba, đáp ứng các yêu cầu về tuân thủ và hồ sơ chứng từ sẽ là tối quan trọng. Việc tuân thủ QDMTT đòi hỏi một lượng lớn thông tin tài liệu, đặc biệt là để tính toán ETR và chứng minh các khoản thu nhập và các khoản thuế đủ điều kiện. Dự thảo Nghị định yêu cầu sổ sách kế toán phải đủ thông tin chi tiết, có thể đối chiếu và phù hợp với dữ liệu CbCR nếu có. Do đó, các MNE phải phân bổ đủ nguồn lực để đảm bảo báo cáo chính xác và đầy đủ vì chi phí tuân thủ trong thời gian tới có thể sẽ phải cao hơn.

Thứ tư, doanh nghiệp cần đánh giá tác động của chính sách thuế mới đến các ưu đãi thuế hiện hành cũng như các quyết định đầu tư trong tương lai. Việt Nam trong các năm qua thu hút nhà đầu tư nhờ vào các ưu đãi thuế hấp dẫn, tuy nhiên QDMTT sẽ trực tiếp giảm thiểu tác động của những ưu đãi này, đặc biệt đối với các MNE có ETR thấp hơn 15% nhờ vào chính sách ưu đãi. Đối với các doanh nghiệp đang trong thời gian ưu đãi thuế, việc điều chỉnh chiến lược thuế là cần thiết. Lập kế hoạch chiến lược và phân tích tình huống sẽ giúp các MNE đánh giá các tác động đối với các dự án hiện tại và các khoản đầu tư trong tương lai.

Cuối cùng, chủ động quản trị rủi ro trong bối cảnh luật thuế thay đổi sẽ phần nào hỗ trợ các MNE ứng phó tốt hơn trong quá trình thanh kiểm tra thuế sau giai đoạn chuyển tiếp. Việc thực hiện kiểm soát nội bộ chặt chẽ hơn, bao gồm việc đánh giá ETR và soát xét thuế định kỳ, sẽ giúp giảm thiểu rủi ro bị chất vấn dẫn đến các điều chỉnh làm tăng nghĩa vụ thuế và các khoản phạt hành chính do kê khai sai.

Trong thời gian tới, các quy định của Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục phát triển và điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn áp dụng toàn cầu. Việc duy trì trao đổi với các cố vấn thuế và cập nhật thông tin về các thay đổi quy định từ Chính phủ sẽ là yếu tố thiết yếu để các MNE có thể điều chỉnh và ứng phó hiệu quả với các quy định mới.

Các MNE trong phạm vi áp dụng cần chuẩn bị điều gì ngay lúc này để sẵn sàng tuân thủ QDMTT?

Để chuẩn bị tốt cho các yêu cầu tuân thủ QDMTT trong thời gian tới, tôi cho rằng các MNE trong phạm vi áp dụng nên có một số bước tiếp cận như sau.

Đầu tiên, doanh nghiệp nên tiến hành rà soát toàn diện về ETR bao gồm xác định liệu công ty có đạt ngưỡng 15% hay không sau khi tính toán tất cả các điều chỉnh cần thiết theo quy định QDMTT của Việt Nam.

Thứ hai, đánh giá liệu MNE có thuộc đối tượng được đơn giản hóa thủ tục kê khai trong giai đoạn thực hiện ban đầu không. Để thực hiện được điều này đòi hỏi phải rà soát và phân tích các dữ liệu CbCR và báo cáo tài chính.
Thứ ba, thiết lập một quy trình thu thâp và lưu trữ thông tin tài liệu hiệu quả hơn để phù hợp với các tiêu chuẩn mới một mặt nhằm đáp ứng các nghĩa vụ báo cáo chi tiết của QDMTT, mặt khác cũng vô cùng cần thiết trong bối cảnh cơ quan thuế cũng sẽ tăng cường quản lý giám sát tình hình tuân thủ của doanh nghiệp.

Thứ tư, tính hiệu quả của các ưu đãi thuế hiện hành nên được đánh giá lại thông qua việc phân tích QDMTT có thể ảnh hưởng như thế nào đến các khoản đầu tư hiện tại. Các doanh nghiệp cũng nên tìm hiểu các chính sách hỗ trợ đầu tư thay thế hiện có trong lĩnh vực của mình để bù đắp cho phần chi phí thuế phát sinh do chính sách ưu đãi thuế phần nào giảm tác dụng trong bối cảnh Trụ Cột 2 đã được áp dụng tại Việt Nam.

Cuối cùng, doanh nghiệp cần theo dõi các quy định và cập nhật kịp thời các hướng dẫn mới về QDMTT. Điều này đặc biệt quan trọng khi Bộ Tài chính đang hoàn thiện nghị định hướng dẫn thi hành cũng như các yêu cầu hành chính khác.

Nhìn chung, con đường tuân thủ QDMTT đòi hỏi tầm nhìn xa, sự thận trọng trong hoạch định và khả năng sẵn sàng thích ứng với các quy định mới. Do đó, các MNE nên đánh giá toàn diện thực trạng thuế của đơn vị, chuẩn bị cho các yêu cầu về hồ sơ chứng từ ngày càng cao trong khi vẫn chủ động quản lý việc tuân thủ theo bối cảnh mới, hướng đến tăng trưởng dài hạn và thành công trong đầu tư tại Việt Nam.

Bà Đặng Mai Kim Ngân, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Khối tư vấn về Thuế Quốc tế, Deloitte Việt Nam
Did you find this useful?