Article

Doanh nghiệp thích nghi với chuyển động mới của chính sách thuế

11 December 2024

Trước những thay đổi mạnh mẽ của môi trường thuế, ông Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Dịch vụ Tư vấn Thuế và Pháp lý, Deloitte Việt Nam đã có những chia sẻ và khuyến nghị cho doanh nghiệp.

Giai đoạn 2023-2025 được xem là thời kỳ chuyển đổi quan trọng của hệ thống chính sách thuế tại Việt Nam. Là những thay đổi lớn, mang tính toàn diện và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác nhau, dự kiến chuyển động mới của chính sách thuế sẽ tạo nên những tác động rất sâu rộng với các doanh nghiệp, đặc biệt khi chúng diễn ra cùng một thời điểm trong giai đoạn ngắn.

Nhiều dự án sửa đổi và bổ sung toàn diện đang được triển khai, tập trung vào ba sắc thuế chính: thuế Giá trị gia tăng (GTGT), thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Song song đó, các chính sách thuế quốc tế cũng đang được Chính phủ Việt Nam thích ứng, nổi bật là quy định về thuế Tối thiểu toàn cầu (TTTC) theo Nghị quyết số 107/2023/QH15. Ngoài ra, Luật Quản lý thuế cũng đang được sửa đổi trong khuôn khổ dự án luật sửa nhiều luật, do Bộ Tài chính chủ trì. Không chỉ dừng lại ở việc điều chỉnh luật, các chính sách quản lý hóa đơn điện tử và giao dịch liên kết cũng đang được hoàn thiện và sẽ sớm được ban hành ở cấp độ Nghị định sửa đổi, bổ sung.

Ông có thể phân tích những thay đổi đáng chú ý trong các chính sách thuế sửa đổi, bổ sung sắp tới?

Trong số các thay đổi dự kiến, nổi bật là sự điều chỉnh toàn diện liên quan đến phạm vi áp dụng, đối tượng chịu thuế và căn cứ tính thuế. Một số điểm đáng chú ý như sau:

Đối với thuế GTGT: Dự thảo Luật thuế GTGT đang thể hiện đúng mục tiêu Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 là thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT (chuyển một số hàng hóa, dịch vụ như phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản sang đối tượng chịu thuế 5% hoặc 10%) và thu hẹp đối tượng chịu thuế 5% (chuyển một số dịch vụ như một số dịch vụ công sang đối tượng chịu thuế 10%) nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước, bảo đảm hàng hóa sản xuất trong nước cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa nhập khẩu cùng loại.

Bên cạnh đó, quy định về dịch vụ xuất khẩu áp dụng thuế suất 0% về cơ bản vẫn được giữ nguyên trong Luật GTGT (sửa đổi) được thông qua ngày 26/11/2024 đang thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc không phải bổ sung quy định khấu trừ hoặc hoàn thuế GTGT đầu vào đối với doanh nghiệp chế xuất, không làm tăng chi phí tuân thủ và nguồn lực tài chính (do không phải cộng thuế GTGT đầu vào vào chi phí, giúp giá thành sản phẩm cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế).

Đối với thuế TNDN: những thay đổi dự kiến xoay quanh việc điều chỉnh ưu đãi thuế theo mục tiêu, lĩnh vực và địa bàn. Ví dụ, khu công nghiệp không nằm trong khu vực kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn có thể sẽ không còn được hưởng ưu đãi thuế địa bàn. Ngoài ra, dự thảo luật cũng đề xuất rằng các khoản chi không đáp ứng điều kiện theo quy định chuyên ngành sẽ bị loại trừ khi tính chi phí được trừ, khiến doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong quản lý chi phí.

Về thuế quốc tế: việc áp dụng thuế TTTC, như đã được thông qua trong Nghị quyết số 107/2023/QH15, là một bước đi quan trọng, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam. Theo rà soát của Tổng cục Thuế, với khoảng 122 tập đoàn đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam, Việt Nam dự kiến sẽ thu thêm khoảng 14.600 tỷ đồng mỗi năm. Hiện Chính phủ đang xây dựng Nghị định hướng dẫn để triển khai thực hiện chính sách này.

Về quản lý thuế: Dự thảo luật sửa đổi cũng tập trung vào việc quản lý thuế với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) và nền tảng số. Điều này bao gồm việc phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chức năng, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế trong bối cảnh kinh tế số ngày càng phát triển. Theo Tổng cục Thuế, lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT đã nộp khoảng 94.600 tỷ đồng tiền thuế, tăng 17% so với số thuế bình quân 10 tháng năm 2023. Tiềm năng nền kinh tế số Việt Nam là rất lớn, dự kiến đến cuối năm 2024 sẽ tăng trưởng kép 16% và đạt 36 tỷ USD, trong đó TMĐT chiếm 15-17%. Xu hướng tăng trưởng tốt sẽ tiếp tục duy trì trong nhiều năm tiếp theo.

Chuyển đổi số trong quản lý thuế đang được cơ quan thuế triển khai mạnh mẽ. Theo ông, quá trình này tác động như thế nào đến hoạt động của các doanh nghiệp?

Từ gần 10 năm trước, Việt Nam đã sớm khởi động chuyển đổi số với các sáng kiến như kê khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử hay ứng dụng quản lý tập trung, hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tuân thủ nghĩa vụ thuế. Các phần mềm ứng dụng quản lý thuế, dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử dần được tối ưu hóa để doanh nghiệp dễ dàng thực hiện nghĩa vụ thuế mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan thuế. Đến nay, số doanh nghiệp kê khai, nộp thuế và hoàn thuế theo phương thức điện tử đã đạt trên 98% số doanh nghiệp kê khai, nộp thuế và hoàn thuế. Riêng với ứng dụng eTax Mobile, hơn 2,3 triệu cá nhân đã đăng ký tài khoản cho phép khai và nộp thuế nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và nguồn lực.

Ngoài ra, cơ quan thuế cũng đang triển khai các công nghệ tiên tiến như ứng dụng AI phát hiện gian lận hóa đơn, phân tích rủi ro cũng như hỗ trợ doanh nghiệp. Trong kỳ họp Quốc hội tháng 10/2024, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã khẳng định rằng Bộ Tài chính sẽ sớm ra mắt công cụ AI để kiểm soát giao dịch trên sàn TMĐT. Vừa qua, Cục Thuế TP. Hà Nội vừa tổ chức lễ ra mắt ứng dụng “Trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế”, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số lĩnh vực quản lý thuế.

Tuy nhiên, không phải tất cả doanh nghiệp đều hiểu rõ mục tiêu dài hạn và lợi ích của chuyển đổi số. Việc thiếu thích nghi có thể khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong tương lai, đặc biệt khi các quy định số hóa trở nên phức tạp hơn.

Theo khảo sát gần đây của Deloitte về xu thế chuyển đổi thuế toàn cầu, hai ưu tiên lớn của các doanh nghiệp trên thế giới hiện nay là:

Lấp đầy thiếu hụt kỹ năng: do sự phát triển của công nghệ, doanh nghiệp cần bổ sung nhân sự có chuyên môn về công nghệ và am hiểu quy định thuế. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể luân chuyển cán bộ phụ trách kê khai thuế sang làm việc tại các bộ phận khác để tích lũy kinh nghiệm về kinh doanh, trước khi trở lại bộ phận thuế.

Tăng cường phối hợp giữa các phòng ban: đặc biệt là sự kết nối giữa bộ phận thuế với kinh doanh và công nghệ, nhằm đảm bảo mọi quyết định về thuế hỗ trợ chiến lược phát triển và mục tiêu chung của doanh nghiệp. Để đạt được điều này, việc đào tạo nhân sự một cách liên tục và có chiến lược là yếu tố quan trọng. Doanh nghiệp cần xem chuyển đổi số không chỉ là trách nhiệm tuân thủ mà còn là cơ hội để tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Ông có khuyến nghị gì cho doanh nghiệp trong bối cảnh chính sách thuế đang thay đổi mạnh mẽ?

Theo góc nhìn của Deloitte, sự thay đổi mạnh mẽ về chính sách và chuyển đổi số trong quản lý thuế là hai yếu tố chính ảnh hưởng tới môi trường thuế tại Việt Nam. Các thay đổi không chỉ tập trung vào việc sửa đổi các luật thuế quan trọng mà còn mở rộng sang lĩnh vực thuế trong nền kinh tế số, quản lý hóa đơn điện tử và thanh kiểm tra thuế tự động. Vì vậy, doanh nghiệp cần có chiến lược bài bản để thích ứng trước các thay đổi lớn này. Tôi xin đề xuất ba khuyến nghị quan trọng:

Thứ nhất, đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cao. Thay đổi chính sách thuế và chuyển đổi số không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội cho doanh nghiệp nâng cấp năng lực của đội ngũ nhân sự. Doanh nghiệp cần đào tạo đội ngũ để hiểu các thay đổi trong quy định thuế, từ thuế nội địa đến chính sách quốc tế. Tập trung bổ sung các kỹ năng liên quan đến tuân thủ thuế, công nghệ, dữ liệu lớn và AI.

Thứ hai, tận dụng công nghệ để tối ưu hóa hoạt động tuân thủ thuế. Việc chuyển đổi số trong quản lý thuế tại Việt Nam mở ra nhiều cơ hội, từ việc giảm thiểu chi phí tuân thủ đến cải thiện hiệu quả vận hành của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cân nhắc đầu tư vào phần mềm quản lý thuế tích hợp, phân tích dữ liệu để kiểm soát rủi ro thuế. Công nghệ không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng nhanh chóng các yêu cầu của cơ quan thuế mà còn hỗ trợ tối ưu hóa quy trình nội bộ, tránh các rủi ro như kê khai sai, trễ hạn, hoặc bị phạt do không tuân thủ đúng quy định.

Cuối cùng, theo sát tiến trình sửa đổi chính sách thuế. Việc cập nhật kịp thời các quy định pháp luật về thuế là yếu tố sống còn để doanh nghiệp không bị động trước những thay đổi. Thành lập bộ phận chuyên trách hoặc hợp tác với các đơn vị tư vấn thuế để theo dõi và phân tích chi tiết các thay đổi từ các Luật Nghị định, Thông tư mới được Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ban hành.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần điều chỉnh chiến lược kinh doanh để đảm bảo sự tuân thủ cao. Ví dụ, các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp cần lưu ý các thay đổi về ưu đãi thuế địa bàn để có kế hoạch đầu tư hiệu quả hơn.

Nhìn chung, việc hiểu đúng và thích nghi nhanh chóng với những thay đổi chính sách thuế và xu hướng chuyển đổi số sẽ là chìa khóa để doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Với ba khuyến nghị trên, tôi tin rằng các doanh nghiệp không chỉ giảm thiểu rủi ro mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp.

Ông Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Dịch vụ Tư vấn Thuế và Pháp lý, Deloitte Việt Nam
Did you find this useful?