Article

Kiểm toán độc lập - 24 năm song hành cùng thị trường chứng khoán

18 July 2024

Góc nhìn chuyên gia

Nhân dịp kỷ niệm 24 năm thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đi vào hoạt động (20/7/2000 – 20/7/2024), ông Phạm Văn Thinh, Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam chia sẻ về những đóng góp của ngành kiểm toán đối với TTCK nói riêng và nền kinh tế nói chung.

TTCK Việt Nam sau 24 năm xây dựng và phát triển đã có những bước phát triển nhất định, trong đó song hành cùng thị trường là sự đóng góp của ngành Kiểm toán nhằm đảm bảo yếu tố công khai, minh bạch thông tin trong báo cáo tài chính (BCTC). Vậy ông có thể đánh giá khái quát về sự phát triển của ngành Kiểm toán trong thời gian song hành cùng TTCK?

Sau 24 năm đi vào hoạt động, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được những kết quả và bước tiến nổi bật, khẳng định vai trò ngày càng quan trọng trong hệ thống tài chính Việt Nam. Những con số về giá trị vốn hóa, số lượng nhà đầu tư, khối lượng và giá trị giao dịch hàng ngày liên tục gia tăng đã chứng minh cho sức hấp dẫn của thị trường.t

Đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam chính là ngành kiểm toán độc lập. Kiểm toán độc lập là một công cụ cực kỳ quan trọng nhằm đảm bảo tính minh bạch và trung thực, khách quan của các thông tin tài chính về các doanh nghiệp - hàng hóa của thị trường chứng khoán. Đây là cơ sở cho các quyết định đầu tư vào doanh nghiệp của các nhà đầu tư. Sự đảm bảo về những thông tin tài chính trung thực đến từ một bên thứ ba với trình độ chuyên môn cao và chuyên nghiệp là điều kiện tiên quyết cho các quyết định đầu tư của nhà đầu tư. Báo cáo tài chính đã được kiểm toán cùng các thông tin tài chính và phi tài chính khác do doanh nghiệp công bố được sử dụng để phân tích, đánh giá sức khỏe của doanh nghiệp, xác định giá trị doanh nghiệp. Đây chính là cơ sở cho các giao dịch chứng khoán giữa các nhà đầu tư với nhau, tạo ra thanh khoản và tăng giá trị chứng khoán.

Là công ty kiểm toán đầu tiên được thành lập từ năm 1991 khi đất nước vừa bước vào thời kỳ Đổi mới, Deloitte Việt Nam tự hào là một chứng nhân cho sự phát triển của nền kinh tế, tài chính nói chung và ngành kiểm toán độc lập nói riêng. Ngành kiểm toán đã trở thành cánh tay phải, một công cụ quan trọng trên thị trường chứng khoán, dẫn nối các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận nguồn thông tin công khai, minh bạch.

Trong hành trình hơn 33 năm hoạt động, Deloitte Việt Nam đã có 25 năm gắn bó với sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó có 10 năm trực tiếp hợp tác với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Trong giai đoạn 2012 – 2022, chương trình hợp tác đã tạo ra những giá trị thực tiễn nhằm nâng cao năng lực, nghiệp vụ của các cán bộ một cách đồng đều, góp phần nâng cao chất lượng công tác giám sát, quản lý nhà nước, đồng thời hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường chứng khoán.

Dưới góc độ là nhà tư vấn và kiểm toán, ông đánh giá như thế nào về sự đóng góp của TTCK Việt Nam trong suốt 24 năm qua đối với sự minh bạch và quản trị của các doanh nghiệp nói riêng và sự minh bạch của nền kinh tế nói chung?

Minh bạch và quản trị hiệu quả sẽ là những yếu tố thể hiện mức độ trưởng thành của thị trường chứng khoán nói chung và các công ty niêm yết trên thị trường nói riêng.

Minh bạch là yếu tố bắt buộc của thị trường chứng khoán, cho phép nhà đầu tư, cơ quan quản lý và các bên liên quan tiếp cận với nguồn thông tin toàn diện, chính xác và kịp thời từ các doanh nghiệp niêm yết. Điều này được thể hiện qua các Báo cáo thường niên, BCTC, Báo cáo tình hình quản trị doanh nghiệp 6 tháng và năm đúng hạn theo quy định mà doanh nghiệp công bố. Trong quá trình cung cấp những “chỉ số sức khỏe” tổng thể và chi tiết, các doanh nghiệp tất yếu phải vượt qua những yêu cầu về mức độ và chất lượng thông tin. Trong khi “mức độ” chỉ tính sẵn có, đầy đủ của thông tin được cung cấp ra thị trường, “chất lượng thông tin” lại liên quan đến tính trung thực, khách quan, có thể kiểm chứng được. Những thông tin này cần đảm bảo tính minh bạch để tuân thủ quy định trên thị trường chứng khoán, là bộ mặt của doanh nghiệp khi tiếp cận và thu hút nhà đầu tư. Thông tin càng chính xác, càng minh bạch, kế hoạch kinh doanh càng rõ ràng, càng giảm thiểu rủi ro đầu tư. Ngoài ra, việc minh bạch thông tin cũng giúp nhân viên của chính doanh nghiệp hiểu, làm việc theo đúng định hướng, giá trị của công ty, từ đó nâng cao chất lượng quản trị và ra quyết định dễ dàng hơn.

TTCK giúp thúc đẩy minh bạch hóa thông tin, không chỉ đối với các công ty niêm yết, mà còn với các công ty khác dự định sử dụng các công cụ huy động vốn và nền kinh tế nói chung. Để có thông tin hữu ích, minh bạch, theo đúng quy định pháp luật và chuẩn mực trong khu vực và thế giới, bản thân mỗi công ty cần thực hành tốt những thông lệ quản trị trong nội bộ công ty. Được coi là nền tảng của sự phát triển bền vững, quản trị công ty tốt giúp đảm bảo môi trường làm việc có đạo đức và liêm chính, cải thiện mối quan hệ với nhân viên, khách hàng, nhà đầu tư thông qua trao đổi minh bạch, rõ ràng, từ đó giảm thiểu rủi ro và gia tăng lợi nhuận.

Nhìn theo xu hướng phát triển của doanh nghiệp toàn cầu, ta dễ dàng nhận thấy bộ tiêu chuẩn ESG đang xuất hiện hiện như một kim chỉ nam được các doanh nghiệp áp dụng và soi chiếu, đo lường mức độ phát triển bền vững và tác động đến cộng đồng, xã hội. Khi ESG được coi như mối quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các yếu tố tạo nên từng tiêu chí cũng được soi xét kỹ lưỡng hơn.

Thực tế cho thấy mức độ tin cậy của BCTC kiểm toán luôn là vấn đề cốt yếu đối với phản ứng của thị trường chứng khoán, đặc biệt là trong giai đoạn này khi Việt Nam đang quyết tâm nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên (frontier market) lên thị trường mới nổi (emerging market). Vậy nhằm nâng cao hơn nữa tính minh bạch trong BCTC thì cần có những giải pháp gì, thưa ông?

Theo Ngân hàng Thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thu hút thêm 25 tỷ USD từ nhà đầu tư nước ngoài đến năm 2030 sau khi thị trường được nâng hạng. Mục tiêu này là đích đến của không chỉ các doanh nghiệp niêm yết mà còn là kỳ vọng và mong mỏi của nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, trước khi bước sang chương mới của thị trường chứng khoán, ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm, trong đó nổi bật là cải thiện tính minh bạch trên thị trường.

Khảo sát toàn diện về hoạt động công bố thông tin thuộc Chương trình IR Awards 2023 cho biết trên toàn thị trường chứng khoán Việt Nam có 93 doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin từ năm 2021 đến tháng 9/2023. Theo báo cáo Khảo sát về hoạt động công bố thông tin trên thị trường chứng khoán năm 2023 của Vietstock, tỷ lệ doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn công bố thông tin chưa thật sự ấn tượng, sau nhiều năm, tỷ lệ này cũng mới chỉ đạt được 50% vào năm 2023. Cũng theo báo cáo này, không có doanh nghiệp nào xuất hiện liên tục trong danh sách suốt 13 năm (2011 – 2023).

Dựa trên khái niệm minh bạch, các thông tin tài chính và phi tài chính được yêu cầu công bố một cách chính xác và kịp thời. Chính vì vậy, để nâng cao hơn nữa tính minh bạch trong BCTC của doanh nghiệp đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan.

Về phía doanh nghiệp: Cần nâng cao hơn nhận thức về nghĩa vụ công bố thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời của các doanh nghiệp niêm yết. Việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công bố thông tin không chỉ thể hiện sự tuân thủ, mà còn tăng cường tín nhiệm của doanh nghiệp trên thị trường, trong mắt các nhà đầu tư. Doanh nghiệp cũng cần đảm bảo đối xử công bằng với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, vì thế các thông tin công bố cần được thể hiện bằng tiếng Anh. Ngoài ra, việc cân nhắc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) cũng là một yếu tố quan trọng trong việc tăng cường minh bạch hóa thông tin.

Về phía cơ quan quản lý: cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết thông qua việc đánh giá, bổ sung các tiêu chí về quản trị công ty, yêu cầu về công bố thông tin minh bạch; nâng cao khả năng phát hiện vi phạm và xử lý nghiêm theo chế tài xử phạt đối với các công ty không công bố thông tin theo quy định.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang chỉ đạo UBCKNN thực hiện triển khai kết nối hệ thống công bố thông tin của Sở Giao dịch Chứng khoán (Sở GDCK) TP.HCM và Sở GDCK Hà Nội với hệ thống công bố thông tin của UBCKNN. Quyết định này hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc công bố, tiếp cận thông tin dễ dàng hơn khi chỉ cần công bố thông tin tại một đầu mối là Sở GDCK nơi công ty niêm yết, đăng ký giao dịch.

Một số biện pháp khác có thể kể đến như: Quyết định số 345/QĐ-BTC: Lộ trình để doanh nghiệp áp dụng Chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS); Triển khai hệ thống giao dịch KRX; Nghị định số 08/2023/NĐ-CP và Nghị quyết số 33/NQ-CP: quy định các nguyên tắc mà trái chủ và bên phát hành cần tuân thủ khi tái thỏa thuận điều kiện thanh toán và phát triển “hệ sinh thái bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững”.

Vào cuối năm 2023 vừa qua, Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã được phê duyệt, hướng tới một hành trình phát triển mới với nhiều bước ngoặt và thử thách. Đây là văn bản quan trọng nhằm định hướng, tạo tiền đề xây dựng một thị trường ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập.

Về phía công ty kiểm toán: các công ty cần tập trung hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng kiểm toán, tăng cường đào tạo, kỹ năng cho đội ngũ nhân viên. Biện pháp này vừa cải thiện dịch vụ kiểm toán, vừa bồi đắp niềm tin của doanh nghiệp vào kết quả kiểm toán – một trong nhiều lý do khiến chất lượng BCTC của doanh nghiệp còn thấp.

TTCK Việt Nam đã đi được chặng đường 24 năm, ở góc độ của nhà tư vấn và nhà kiểm toán, xin ông có thể chia sẻ thêm về những thách thức mà TTCK Việt Nam tuổi 24 sẽ phải đối mặt để đạt được những thành tích cao hơn trong thời gian tới?

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024, Thủ tướng Chính phủ cho biết thị trường chứng khoán đã thực hiện huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế ở mức 3,8 triệu tỷ đồng trong giai đoạn 10 năm (2014 – 2023). Con số bình quân mỗi năm đạt 380 nghìn tỷ đồng (15,4 tỷ USD), tăng gấp 4,35 lần so với giai đoạn trước. Việc nâng hạng thể hiện mức độ hội nhập sâu rộng hơn của kinh tế, sự tiến bộ và uy tín được nâng cao của thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này giúp cải thiện năng lực thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư gián tiếp từ nước ngoài.

Khi thị trường chứng khoán Việt Nam đón nhận thêm các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán cần có cam kết và kế hoạch hành động nhằm nâng cao công tác quản trị công ty gắn với ESG phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng trong khu vực, cũng như công bố thông tin minh bạch, chất lượng, và có báo cáo bằng tiếng Anh. Điều này không chỉ giúp tăng niềm tin của doanh nghiệp trong mắt nhà đầu tư, mà còn góp phần trợ giúp nâng hạng thị trường một cách đồng bộ.

Đồng thời, chất lượng của các sản phẩm đưa vào thị trường cũng sẽ là một yếu tố cần được quan tâm, nhất là khi yếu tố này sẽ phụ thuộc vào năng lực quản trị công ty cũng như là khả năng phát triển kinh doanh trong tương lai của các doanh nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ của mình - một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình thẩm định, đánh giá và đưa ra quyết định đầu tư.

Ông Phạm Văn Thinh, Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam
Did you find this useful?