Article

Tương lai thanh toán theo thời gian thực

31 October 2024

Hình thức thanh toán theo thời gian thực sẽ không chỉ dừng lại trong phạm vi từng quốc gia hoặc B2C mà được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ theo hướng giao dịch giữa các quốc gia và giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B).

Trong xu thế tăng cường giao dịch xuyên quốc gia, hình thức thanh toán theo thời gian thực sẽ không chỉ dừng lại trong phạm vi từng quốc gia hoặc giữa cá nhân với doanh nghiệp (B2C), mà được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ theo hướng giao dịch giữa các quốc gia, trong các khối như ASEAN và giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B). Theo đó, để có thể làm chủ xu hướng, Chính phủ, ngân hàng nhà nước cùng hệ sinh thái tại Việt Nam cần có cơ chế quản trị, hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các quốc gia khác.

Tổng quan về RTP

Thanh toán theo thời gian thực (hay còn gọi là thanh toán nhanh, thanh toán thức thời - real-time payment (RTP)) là các khoản thanh toán được thực hiện và giải quyết không thể hủy ngang theo thời gian thực, thường trong thời gian vài giây. Trong những năm gần đây, RTP ngày càng trở nên phổ biến hơn nhờ vào những lợi ích như giao dịch có thể thực hiện mọi thời điểm 24/7/365; loại bỏ rủi ro tín dụng khi tiền sẽ được chuyển ngay lập tức từ tài khoản của người gửi đến tài khoản của người nhận; quá trình đối chiếu được đơn giản hóa khi có thông báo ngay lập tức được gửi cho hai bên…

Theo báo cáo ACI Worldwide, giao dịch qua hình thức RTP trên toàn cầu ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể. Khối lượng giao dịch được dự đoán sẽ tăng từ 266,2 tỷ USD vào năm 2023 lên 575,1 tỷ vào năm 2028, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm trong giai đoạn 2023-2028 của khối lượng giao dịch đạt mức 16,8%. Các giao dịch qua hình thức qua RTP trong năm 2023 chiếm 19,1% tổng số giao dịch điện tử, nhưng con số này được dự đoán sẽ vượt mức 25% vào năm 2028. Hiện nay, trên toàn cầu có hơn 70 quốc gia đã áp dụng hệ thống thanh toán RTP, trong đó Ấn Độ và Brazil là hai quốc gia đi đầu trong việc ứng dụng và phát triển hệ thống, cũng như khối lượng giao dịch.

Tại khu vực Đông Nam Á, người tiêu dùng cũng ưa chuộng hình thức chuyển tiền này nhờ sự tiện lợi và nhanh chóng. Theo Nghiên cứu Thái độ thanh toán của người tiêu dùng do Visa thực hiện, 2 trong 5 người được khảo sát cho biết đã sử dụng RTP, 84% sử dụng RTP ít nhất 1 lần trong tuần cho các giao dịch như: thanh toán xuyên biên giới (77%), chuyển tiền cho giữa các cá nhân P2P (59%), hoặc thanh toán cho các đơn vị bán hàng/bán lẻ (58%).

RTP vượt ngoài biên giới

Các hệ thống thanh toán thời gian thực RTP thường hoạt động trong phạm vi một quốc gia, hỗ trợ các giao dịch nội địa. Tuy nhiên, việc liên kết của các hệ thống RTP giữa các quốc gia đã và đang được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, nhằm đáp ứng yêu cầu từ sự phát triển của nền kinh tế số hiện nay và xu hướng thương mại xuyên biên giới.

Theo Ngân hàng Thanh toán thế giới (BIS), liên kết thanh toán xuyên biên giới là một tập hợp các thỏa thuận hợp đồng, liên kết kỹ thuật và tiêu chuẩn, cũng như các thành phần hoạt động giữa các hệ thống thanh toán của các khu vực pháp lý khác nhau, cho phép các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán (payment service providers - PSP) tham gia giao dịch như đang trong cùng một hệ thống. Hệ thống RTP có thể được liên kết trực tiếp hoặc thông qua một bên trung gian để liên kết với một hệ thống RTP khác.

Hình 1: Mô phỏng liên kết thanh toán xuyên quốc gia

Việc liên kết giữa các hệ thống RTP có thể mang lại nhiều lợi ích và giải quyết được những vấn đề tồn tại của quá trình thanh toán truyền thống như tối ưu chi phí với mức chi phí giao dịch thấp hơn cho cả người dùng và đơn vị bán hàng, nâng cao trải nghiệm khách hàng với các giao dịch liền mạch và thông báo tức thì, theo đó còn giúp giảm thiểu rủi ro tín dụng khi các giao dịch ít bị trì hoãn hoặc không chắc chắn,…

Tại khu vực Đông Nam Á, hệ thống RTP của Singapore (PayNow) và Thái Lan (PromptPay) chính thức liên kết vào tháng 4/2021, đánh dấu một trong sự kết nối trực tiếp đầu tiên trên toàn cầu giữa hai hệ thống RTP nội địa. Sự liên kết này được thực hiện để giảm thiểu các thách thức liên quan đến phí cao/phí cao về ngoại hối và rút ngắn thời gian xử lý thanh toán giữa hai quốc gia. Trong năm đầu tiên ra mắt, sự liên kết này đã dẫn đến 200.000 giao dịch trị giá 44 triệu USD.

Liên kết song phương giữa hai quốc gia trong khu vực ASEAN cũng tiếp tục có những bước tiến giữa Thái Lan & Malaysia, Singapore & Malaysia, Indonesia & Singapore…

Hình 2: Liên kết thanh toán trong khối ASEAN

Bức tranh liên kết RTP trong tương lai

Theo đánh giá của Deloitte, trong bức tranh về lĩnh vực thanh toán, chính phủ, đặc biệt ở các nền kinh tế đang phát triển, sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng hơn trong thanh toán tiêu dùng bằng cách mở rộng phạm vi tài chính toàn diện, giảm thiểu tình trạng kém hiệu quả và thúc đẩy cạnh tranh.

Nhìn vào trường hợp liên kết hai hệ thống RTP giữa Singapore và Thái Lan, có thể thấy Chính phủ, cơ quan quản lý cùng đội ngũ dự án đã nỗ lực để chuẩn hóa phương thức truyền thông và chia sẻ dữ liệu khi hai bên đồng ý sử dụng chuẩn ISO 20022 để làm định dạng tin nhắn xuyên biên giới. Mỗi quốc gia có thể giữ lại định dạng tin nhắn hiện có trong nội địa, chỉ yêu cầu chuyển đổi trường dữ liệu địa phương sang định dạng tin nhắn đối với giao dịch xuyên biên giới. Bên cạnh đó, Chính phủ và các cơ quan quản lý liên quan còn nỗ lực để chia sẻ dữ liệu, kết nối mạng, xây dựng tiếng nói chung và đảm bảo thực hiện một cách hài hòa các vấn đề quy định pháp lý trong bảo vệ dữ liệu, sở hữu trí tuệ, các yêu cầu chống rửa tiền và tài trợ khủng bố (AML/CFT), tuân thủ quy tắc cụ thể của từng quốc gia, và chạy thử nghiệm trên diện rộng…

Liên kết thành công giữa Singapore & Thái Lan đưa ra nhiều bài học kinh nghiệm có thể tham khảo cho các quốc gia khác trong nỗ lực thúc đẩy kết nối song phương, và đa phương trong khu vực. Với nỗ lực giữa các Chính phủ, ngân hàng nhà nước, các cơ quan quản lý cùng những chuyển động thị trường trong khu vực Đông Nam Á như sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử và ví điện tử, khu vực Đông Nam Á còn có nhiều sáng kiến thúc đẩy quá trình thanh toán xuyên biên giới trong nội khối, nhằm giúp việc thanh toán nhanh hơn, minh bạch hơn với chi phí rẻ hơn, đi theo đúng mục đích hội nhập kinh tế ASEAN.

Một số sáng kiến chính thuộc khuôn khổ Hợp tác Thanh toán Xuyên biên giới của ASEAN có thể kể đến như (1) Kết nối thanh toán khu vực (RPC) nhằm thiết lập một mạng lưới các hệ thống thanh toán được liên kết trên toàn ASEAN; (2) Thanh toán bằng mã QR xuyên biên giới; (3) Mã QR chung hướng tới phát triển một tiêu chuẩn mã QR duy nhất có thể được sử dụng trên tất cả các quốc gia ASEAN. Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 10 vào năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 6 của MOU về hợp tác kết nối thanh toán khu vực.

Trong Nghiên cứu mới nhất của Visa, Việt Nam cũng là quốc gia đẫn đầu trong top 5 quốc gia có tỷ lệ chuyển đổi thanh toán số cao nhất trong ASEAN. Tuy nhiên, để đẩy hội nhập nhanh hơn, sâu hơn và toàn diện hơn trên phương diện liên kết thanh toán xuyên quốc gia theo thời gian thực, cần thiết lập các cơ cấu quản trị vững chắc bao gồm các quan quản lý của ngân hàng nhà nước và các đội ngũ chuyên trách trong hệ sinh thái để phối hợp chặt chẽ với các quốc gia khác trong khu vực.

Phòng chống gian lận và tội phạm tài chính

Việc áp dụng các hệ thống RTP và sự phức tạp của hệ sinh thái thanh toán khi liên kết xuyên quốc gia trong khu vực và thế giới đang và sẽ tiếp tục làm gia tăng rủi ro gian lận và tội phạm tài chính. Những tội phạm tài chính, gian lận không ngừng điều chỉnh kỹ thuật và tận dụng các công nghệ mới để khai thác những lỗ hổng trong hệ sinh thái thanh toán, đặc biệt là khi các cải cách thanh toán xuyên biên giới được thực hiện nhanh chóng. Theo Sift, thiệt hại của các đơn vị bán hàng do gian lận thanh toán đã đạt 38 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ tăng lên 362 tỷ USD vào năm 2028.

Một số hình thức gian lận và tội phạm tài chính phổ biến như gian lận tài chính trực tuyến truyền thống, hình thức lừa đảo phát sinh, gian lận do phát sinh từ công nghệ AI mới, giao dịch xuyên biên giới…

Gian lận tài chính truyền thống là các hình thức tấn công lừa đảo (phishing attacks), lừa đảo trực tuyến và lộ thông tin dữ liệu, có thể trở nên cấp bách hơn khi cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vốn thiếu kiến thức về tài chính hoặc nguồn lực an ninh mạng chuyển sang số hóa sâu hơn tham gia vào sân chơi này.

Những bước tiến của công nghệ AI trong đó có GenAI, tạo ra các loại hình gian lận ngày càng tinh vi hơn. Các phần mềm dựa trên AI tạo ra danh tính giả mạo làm trầm trọng thêm rủi ro chiếm đoạt danh tính. Các ngân hàng và tổ chức khác trong hệ sinh thái phải chạy đua để phát triển năng lực ứng phó và phòng chống.

Sự gia tăng của các dòng tiền qua thanh toán/chuyển tiền xuyên biên giới sẽ đặt ra yêu cầu hợp tác liên chính phủ và giữa hai khu vực công-tư chặt chẽ hơn, có hệ thống hơn về công nghệ cũng như thiết kế chính sách, trải dài từ khung chính sách ngân hàng mở được xây dựng tốt cho đến các tiêu chuẩn tính toán (computing standard) bảo vệ quyền riêng tư. Tuy nhiên, để tham gia sâu hơn vào hệ sinh thái thanh toán nhanh xuyên quốc gia, bản thân các ngân hàng và các tổ chức tài chính, tổ chức thanh toán cũng cần tự nâng cao năng lực phòng chống gian lận và tội phạm tài chính thông qua việc ứng dụng công nghệ một cách có chiến lược, bài bản với sự đồng hành của các đơn vị tư vấn.

Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Khách hàng và Thị trường, Lãnh đạo ngành dịch vụ tài chính, Deloitte Việt Nam
Did you find this useful?