Article
Bước cải cách đột phá trong ưu đãi đầu tư tại Việt Nam
8 January 2025
Góc nhìn chuyên gia
Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Thuế & Pháp lý, Deloitte Việt Nam, đánh giá Quỹ Hỗ trợ đầu tư là một “liều thuốc kịp thời”, không chỉ cải cách chính sách ưu đãi đầu tư mà còn giúp Việt Nam củng cố và tăng cường vị thế khi cạnh tranh thu hút các ngành công nghệ cao.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đang đối mặt với một bối cảnh toàn cầu đầy thách thức khi các quốc gia trong khu vực và trên thế giới có những thay đổi trong chiến lược thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao. Cạnh tranh giữa các quốc gia để thu hút vốn đầu tư trở nên gay gắt hơn bao giờ hết, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp mũi nhọn như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ tiên tiến khác. Các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Malaysia, … đã triển khai mạnh mẽ các chương trình hỗ trợ đầu tư trong những lĩnh vực này, đưa ra những ưu đãi vượt trội để thu hút các dòng vốn quốc tế, từ đó củng cố vị thế của mình trên bản đồ công nghệ toàn cầu.
Việt Nam vẫn đang nỗ lực xây dựng một môi trường đầu tư hấp dẫn, trong đó, các ngành công nghiệp công nghệ cao được xem là yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển bền vững và gia tăng sức cạnh tranh toàn cầu. Cùng với mục tiêu duy trì mức tăng trưởng ổn định và phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, Việt Nam đang đặt mục tiêu thu hút từ 40-50 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài mỗi năm trong giai đoạn 2026-2030 theo Nghị quyết của Bộ Chính trị số 50-NQ/TW năm 2019. Đây là mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi các chính sách ưu đãi đầu tư phải được đổi mới và tối ưu hóa để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ các nhà đầu tư quốc tế.
Chính vì vậy, việc đổi mới chính sách ưu đãi đầu tư để thích nghi với bối cảnh quốc tế và nhu cầu phát triển của đất nước là một yếu tố vô cùng quan trọng.
Đột phá cải cách chính sách qua Nghị định số 182/2024/NĐ-CP
Theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc Hội ban hành ngày 29/11/2023, Chính phủ Việt Nam đã tích cực nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các nước tiên tiến, và ngày 31/12/2024 đã ban hành Nghị định số 182/2024/NĐ-CP (“Nghị định 182”) về Quỹ Hỗ trợ đầu tư, như một “liều thuốc kịp thời” nhằm không chỉ cải cách chính sách ưu đãi đầu tư mà còn giúp Việt Nam củng cố và tăng cường vị thế cạnh tranh trong cuộc đua thu hút các ngành công nghệ cao. Chính sách này sẽ tạo ra một cú hích quan trọng, giúp các doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và các ngành công nghiệp mũi nhọn khác có thể tiếp cận các nguồn lực tài chính cần thiết để phát triển, tập trung vào đầu tư thực chất, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và công nghệ.
Quỹ Hỗ trợ đầu tư không chỉ giúp giảm bớt các khó khăn tài chính mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển những sản phẩm, công nghệ sáng tạo, từ đó gia tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chính sách này được áp dụng một cách bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, không phân biệt quốc gia đầu tư. Điều này tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng, đảm bảo các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước đều có cơ hội tham gia và áp dụng các hỗ trợ này, qua đó đóng góp vào việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Đối tượng được hỗ trợ và cơ chế mức hỗ trợ
Nghị định 182 quy định rõ hai loại hình hỗ trợ chính mà Quỹ sẽ cung cấp. Thứ nhất là chính sách hỗ trợ chi phí hàng năm, theo đó Quỹ sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao và Trung tâm nghiên cứu phát triển (NC&PT). Các chi phí đủ điều kiện nhận hỗ trợ bao gồm chi phí đào tạo và phát triển nhân lực, chi phí NC&PT, chi phí đầu tư tạo tài sản cố định, chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao, chi phí đầu tư công trình hạ tầng xã hội, và các trường hợp khác do Chính phủ quyết định. Mức hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư sẽ tùy thuộc vào từng đối tượng và điều kiện cụ thể của dự án. Đối với chi phí đào tạo và phát triển nhân lực, mức hỗ trợ có thể lên đến 50%, trong khi chi phí nghiên cứu và phát triển được hỗ trợ tối đa 30%. Đối với đầu tư tài sản cố định, mức hỗ trợ có thể đạt tối đa 10%. Chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao có thể được hỗ trợ 1% giá thành sản xuất. Trong những trường hợp đặc biệt như các dự án bán dẫn, cơ sở dữ liệu AI hoặc dự án có quy mô lớn, mức hỗ trợ có thể cao hơn, lên đến 3%. Đối với xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội, mức hỗ trợ có thể đạt tối đa 25%.
Thứ hai là chính sách hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu, dành cho các doanh nghiệp có Trung tâm NCPT trong các ngành công nghiệp mũi nhọn như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, những lĩnh vực đòi hỏi khoản đầu tư lớn về cơ sở vật chất và công nghệ. Chính sách này sẽ giúp các doanh nghiệp giảm bớt rủi ro tài chính khi bắt đầu triển khai các dự án nghiên cứu và phát triển, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài. Đối với các khoản đầu tư ban đầu, mức hỗ trợ có thể lên đến 50%.
Các doanh nghiệp có thể nhận hỗ trợ tài chính từ Quỹ khi đáp ứng các điều kiện về quy mô đầu tư hoặc doanh thu hàng năm, cùng với các yêu cầu bổ sung tùy thuộc vào từng dự án cụ thể.
Doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ nhận các khoản hỗ trợ tài chính trực tiếp từ Quỹ, đồng thời doanh nghiệp sẽ được miễn thuế TNDN khi nhận được khoản hỗ trợ này.
Lợi ích của chính sách khi ban hành
Chính sách Quỹ Hỗ trợ đầu tư có thể mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.
Thứ nhất, việc ban hành chính sách này là một động thái kịp thời để giúp Việt Nam tăng cường vị thế cạnh tranh toàn cầu, không bị tụt lại trong cuộc đua thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chiến lược mũi nhọn của thế giới. Bằng việc cung cấp những ưu đãi hấp dẫn và phù hợp, chính sách này không chỉ giúp thu hút các dòng vốn đầu tư mới mà còn tạo động lực cho các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư “đại bàng”. Các doanh nghiệp này không chỉ đóng góp vào sự phát triển trực tiếp của nền kinh tế mà còn tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ đối với hệ sinh thái doanh nghiệp phụ trợ và các doanh nghiệp vệ tinh, từ đó thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp liên quan và tạo thêm cơ hội việc làm, nâng cao trình độ công nghệ.
Thứ hai, chính sách này sẽ giúp đa dạng hóa hệ thống ưu đãi đầu tư của Việt Nam để khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp. Trước đây, các ưu đãi đầu tư chủ yếu dựa trên lợi nhuận (profit-based incentives) như các chính sách về miễn giảm thuế TNDN hay thuế suất ưu đãi. Với sự ra đời của chính sách hỗ trợ đầu tư mới thông qua Quỹ Hỗ trợ đầu tư, Việt Nam đã mở rộng hệ thống ưu đãi, cụ thể là ưu đãi dựa trên chi phí (cost-based incentives). Điều này sẽ tạo ra một cơ chế hỗ trợ linh hoạt hơn, giúp các doanh nghiệp có thể nhận được sự hỗ trợ không chỉ khi có lợi nhuận mà còn khi đầu tư vào các lĩnh vực có chi phí cao như nghiên cứu và phát triển, đào tạo nhân lực, hay đầu tư cơ sở hạ tầng. Chính sách ưu đãi này sẽ tạo điều kiện cho các ngành công nghệ cao, bao gồm cả công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, phát triển mạnh mẽ, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gia tăng.
Thứ ba, chính sách này góp phần đổi mới và nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam từ các ngành công nghiệp truyền thống sang các ngành công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn. Các doanh nghiệp sẽ có cơ hội phát triển những sản phẩm công nghệ mới, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, đây là một chính sách mang tính đột phá, không chỉ trong việc thay đổi cách thức hỗ trợ đầu tư mà còn trong việc tạo ra cơ chế sàng lọc cao, đảm bảo rằng chỉ các doanh nghiệp lớn, có uy tín và có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam mới được hưởng hỗ trợ từ Quỹ. Điều này giúp đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của chính sách, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp có năng lực và cam kết lâu dài với Việt Nam.
Thách thức khi triển khai chính sách
Mặc dù chính sách Quỹ Hỗ trợ đầu tư mang lại nhiều cơ hội và triển vọng, việc triển khai vẫn có thể gặp phải một số thách thức nhất định. Một trong những yếu tố cần chú trọng là đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quá trình triển khai chính sách. Bên cạnh đó, việc xác định đúng các doanh nghiệp đủ điều kiện và theo dõi kết quả thực tế của các dự án sẽ là những yếu tố quan trọng để chính sách đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp, những thách thức này có thể được khắc phục, tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi và bền vững.
Kết Luận
Chính sách Quỹ Hỗ trợ đầu tư, thông qua việc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp công nghệ cao và các ngành mũi nhọn, là một bước đi chiến lược của Chính phủ Việt Nam để củng cố vị thế cạnh tranh và không bị tụt lại trong cuộc đua thu hút đầu tư toàn cầu. Đây là một “liều thuốc kịp thời” giúp Việt Nam không chỉ thu hút các nhà đầu tư quốc tế mà còn phát triển bền vững các ngành công nghệ cao, tạo ra những sản phẩm và công nghệ có giá trị gia tăng lớn trên thị trường quốc tế.
Dù vậy, để chính sách này phát huy hết hiệu quả, cần có sự cải cách mạnh mẽ trong quy trình thủ tục hành chính, đảm bảo tính minh bạch trong phân bổ nguồn lực và thiết lập hệ thống giám sát hiệu quả. Khi được triển khai một cách hợp lý, chính sách này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế công nghệ cao, tạo ra các cơ hội mới và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.
